2013: Nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu

Dư âm của việc kỷ luật và đề nghị kỷ luật hiệu trưởng trường ĐH, CĐ do xác định chỉ tiêu sai đã khiến nhiều trường rất cẩn trọng trước khi đưa ra mức chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh 2013, thậm chí nhiều trường đã tự cắt giảm chỉ tiêu...

Năm 2012, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tự xác định tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH, CĐ là 2.650. Tuy nhiên sau đó Bộ GD-ĐT đã “xén” chỉ tiêu này còn lại 1.300, trong đó có 200 chỉ tiêu bậc CĐ. Năm 2013, trường dự kiến tuyển 1.650 chỉ tiêu, trong đó bậc CĐ có 250 chỉ tiêu. Như vậy, so với dự kiến năm 2012, chỉ tiêu dự kiến năm 2013 của trường đã giảm 1.000 SV.

Tự cắt giảm

Tương tự, tổng chỉ tiêu năm 2013 do Trường ĐH An Giang xác định cũng giảm khoảng 900 chỉ tiêu. Đây cũng là trường bị Bộ GD-ĐT “xén” chỉ tiêu năm 2012 từ hơn 4.000 còn 2.600. Ông Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết năm nay trường tiếp tục xin phép liên kết với một số trường đào tạo các ngành đặc thù như mầm non, âm nhạc, mỹ thuật, bảo vệ thực vật nên mặc dù so với chỉ tiêu dự kiến năm 2012 do trường xác định có giảm, nhưng nếu căn cứ vào chỉ tiêu được duyệt năm 2012 thì tăng vài trăm.

Trường ĐH Đồng Tháp cũng tự xác định giảm 300 chỉ tiêu so với năm 2012. Toàn bộ chỉ tiêu cắt giảm đều nằm ở bậc ĐH. Theo TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, chỉ tiêu giảm và tuyển sinh thực tế có thể còn thấp hơn chỉ tiêu của trường đưa ra vì các ngành sư phạm rất khó tuyển sinh. Bên cạnh giảm chỉ tiêu tổng, trường cũng sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu các ngành kinh tế và sư phạm.

Ông Phạm Thái Sơn - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết trường dự kiến giảm 300 chỉ tiêu, tập trung vào các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Trường chú trọng vào các ngành công nghệ nên chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh tăng cho các ngành như công nghệ thực phẩm, môi trường, công nghệ sinh học...

Tại Trường ĐH Sài Gòn, chỉ tiêu dự kiến năm 2013 đã bị cắt giảm 1.400 so với năm 2012. Trong đó, toàn bộ chỉ tiêu cắt giảm đều nằm ở bậc CĐ trong khi chỉ tiêu bậc ĐH giữ nguyên như năm trước. Điều đáng lưu ý là các ngành kinh tế ở bậc CĐ đều bị cắt toàn bộ chỉ tiêu.

2013: Nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu, Tuyển sinh ĐH-CĐ, Giáo dục - du học, Chi tieu tuyen sinh 2013, tuyen sinh, tuyển sinh, tuyen sinh 2013, tuyển sinh 2013, thong tin tuyen sinh, thông tin tuyển sinh, giao duc, tintuc, tin tức, tin moi, bao, doc bao, vn

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2012. Năm 2013, trường này dự kiến giảm chỉ tiêu - Ảnh: Như Hùng

Cấp tập tuyển giáo viên

Bà Trần Thị Thanh Tâm - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương - cho biết trường đã trình Bộ GD-ĐT hồ sơ mở thêm ngành đào tạo bác sĩ trình độ ĐH cho mùa tuyển sinh 2013. “Dựa vào đội ngũ thực tế hiện tại, nếu được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo trình độ ĐH ngành bác sĩ, trường sẽ chủ động cắt giảm 100 chỉ tiêu CĐ để bù đắp cho chỉ tiêu ĐH mới, từ 700 xuống còn 600 chỉ tiêu CĐ” - bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, song song với việc xác định chỉ tiêu thật chuẩn dựa vào đội ngũ hiện có, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương đang thực hiện kế hoạch tuyển cán bộ giảng dạy mới và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ hiện có. “Vừa qua, nhà trường tuyển mới hơn 20 SV giỏi vừa tốt nghiệp, giữ lại giảng dạy. Ngoài ra, hiện tại có hơn 10 giảng viên đang được cử đi học tiến sĩ, hơn 20 thầy cô theo học thạc sĩ để có thể bổ sung đội ngũ kịp thời” - bà Tâm chia sẻ.

Xu hướng tuyển dụng cán bộ mới để “áp” vừa chỉ tiêu là lựa chọn của nhiều trường, khi không muốn bị giảm chỉ tiêu vì sự khắt khe của quy định về xác định chỉ tiêu.

Theo ông Phạm Văn Điển -  trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, năm nay trường đã tuyển mới thêm 70 cán bộ, trong đó có đến 50 giảng viên, chủ yếu có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Các trường thận trọng hơn

Ngày 11/1, ông Nguyễn Văn Áng - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính - cho biết Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo về việc đăng ký chỉ tiêu của hơn 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước. “Sau động thái quyết liệt của bộ - xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhiều trường tỏ ra thận trọng hơn trong đăng ký chỉ tiêu nên thời hạn nộp báo cáo đã đến gần, nhiều trường vẫn chưa “chốt” được. Mọi năm các trường vẫn có tâm lý đăng ký cao hơn năng lực rồi gửi lên bộ, chờ bộ trừ đi là... vừa. Song bộ quán triệt việc đăng ký chỉ tiêu năm nay hoàn toàn do nhà trường. Các trường sẽ phải tính toán kỹ để tránh sai phạm. Thời hạn đăng ký chỉ tiêu ban đầu được đặt ra là ngày 15/1, nhưng có thể một số trường sẽ gửi muộn hơn vì phải cân nhắc cẩn thận” - ông Áng nói. 

N.H.

ĐHQG TP.HCM:

Đề nghị không tổ chức thi tại Vinh

Chiều 11/1, ĐH Quốc gia TP.HCM đã đưa ra các phương án tuyển sinh cho năm 2013. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét bỏ yêu cầu bắt buộc tổ chức thi tại cụm Vinh cho các trường thành viên vì chi phí cao, số lượng thí sinh dự thi ít và độ rủi ro cao khi vận chuyển hồ sơ, bài thi. Cũng theo ông Nghĩa, ĐHQG TP.HCM vẫn áp dụng theo hình thức ba chung của Bộ GD-ĐT với hai đợt thi ĐH. Các trường sẽ triển khai mạnh việc xét tuyển nguyện vọng phân ngành (trước đây gọi là nguyện vọng 1B, 1C), hạn chế xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường ĐH Công nghệ thông tin sẽ bổ sung khối thi A1 vào khối tuyển sinh.

Về chỉ tiêu, năm 2013 các trường hầu như giữ nguyên như năm 2012. Trong đó Trường ĐH Bách khoa tuyển 3.800 chỉ tiêu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên 3.500, Trường ĐH Kinh tế - luật 1.700, Khoa y 100, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 2.850. Riêng Trường ĐH Quốc tế mở thêm ngành kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro (50 chỉ tiêu) nên tổng chỉ tiêu các ngành do trường cấp bằng là 850. Trường ĐH Công nghệ thông tin mở mới ngành an ninh thông tin với 40 chỉ tiêu nên tổng chỉ tiêu tuyển mới năm 2013 của trường là 750. Nhiều trường áp dụng nhân hệ số môn thi gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - luật nhân hệ số môn toán. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn áp dụng nhân hệ số 2 điểm các môn thi ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức) vào các ngành ngoại ngữ (cụ thể là các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Đức, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Ý); môn văn vào ngành văn học và ngôn ngữ học; môn sử vào ngành lịch sử và môn địa vào ngành địa lý học.

M.G.

Theo Minh Giảng - Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
(6515 bình chọn, 9/10 điểm)

Nguồn tin: hn.24h.com.vn